Ngày du lịch Việt Nam

14-08-2017 14:17

                    Thái miếu nhà Trần

Dưới các triều đại phong kiến, Thái miếu là chốn linh thiêng nhất, là nơi thờ cúng tổ tiên của nhà vua.Chính vì thế, nơi đặt thái miếu thường được đặt ở quê gốc của đức Thái tổ và vẫn được coi là kinh đo thứ 2 của một triều đại.

Theo các nghiên cứu gần đây về trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của nhà Trần (1225 - 1400) của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thì nếu xét về quê hương, nhà Trần có 3 nơi, thứ 1 là Dương trạch ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh; thứ 2 là Dương trạch ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định; thứ 3 là Âm phần ở xã Thái Đường, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Trong 3 nơi này, nơi quan trọng nhất là An Sinh, Đông Triều (Quảng Ninh) vì ở đây có Thái miếu -nơi thờ cúng cả hoàng tộc, đền thờ cùng hệ thống lăng, mộ các vua Trần…

Dưới các triều đại phong kiến, Thái miếu là chốn linh thiêng nhất, là nơi thờ cúng tổ tiên của nhà vua. Chính vì thế, nơi đặt Thái miếu (thường là ở quê gốc của đức Thái tổ) vẫn được coi là kinh đô thứ hai của một triều đại.

          Thái miếu tọa lạc trên đồi Đình có diện tích 12 ha tại thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh, thị xã Đông Triều ,Quảng Ninh. Nhiều năm trở về trước ngôi đền này chỉ còn là phế tích. Vị trí ngôi đền cách lăng vua Trần Hiến Tông khoảng 200m về phía đông, cách lăng vua Trần Anh Tông khoảng 500m về phía Nam. Đứng từ  Thái miếu nhìn về phía Nam thấy được gác chuông chùa Quỳnh Lâm, quần thể đền Sinh thờ 8 vua Trần cùng làng mạc và cánh đồng của nhân dân xã An Sinh, TX Đông Triều.

Qua các đợt khai quật thám sát khảo cổ học tại di tích Thái miếu do tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều và Viện Khảo cổ học phối hợp tiến hành từ năm 2008 đến nay đã xuất lộ nhiều dấu vết kiến trúc với mật độ khá dày của một công trình kết nối liên hoàn nhiều hạng mục, như: Hệ thống nền móng nhà, sân vườn, bồn hoa và đường đi, các dấu vết kiến trúc của thời Trần và thời Nguyễn. Trong quá trình khai quật, các di vật thu được chủ yếu là vật liệu kiến trúc, gồm: Các loại ngói cánh sen, ngói mũi lá, các loại gạch hình chữ nhật, đầu đao cùng hệ thống tảng kê chân cột. Đồ gốm men đã tìm thấy chủ yếu là thời Trần. Đây là công trình được các nhà khảo cổ học đặc biệt quan tâm. Theo PGS.TS Phan Khanh (Viện Khảo cổ học), tên của di tích là đền Thái, chữ "Thái” ở đây là "Thái miếu”. Đây là di tích quan trọng đặc biệt bậc nhất trong hệ thống các di tích lăng mộ nhà Trần ở Đông Triều nói riêng và hệ thống các di tích nhà Trần nói chung...

Dựa trên các kết quả khảo cổ và tư liệu lịch sử, các nhà khoa học khẳng định: Di tích đền Thái được xây vào khoảng đầu thế kỷ XIII, sau khi Trần Thái Tông lấy vùng đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (thuộc tỉnh Quảng Ninh) ban cho anh là Trần Liễu làm đất thang mộc. Từ Tiên miếu (nơi thờ tổ tiên), sang đầu thế kỷ XIV, nơi đây dần trở thành Thái miếu (nơi thờ cúng của cả hoàng tộc), bởi Đông Triều là quê gốc của nhà Trần, nên khi các vua Trần mất đi, bài vị được thờ ở quê hương. Càng về sau, quy mô kiến trúc của công trình càng được mở rộng hơn.

Đền Thái thờ Tam Thánh tổ Trần triều là: Thái tổ Trần Thừa, vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông. Ngôi đền tổ thờ các vị vua khai sáng triều Trần này là một di tích nằm trong quần thể các di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều. Trải qua thời gian, do sự tàn phá của thiên nhiên, cộng với những biến động của lịch sử, đền Thái cho đến trước năm 2017 chỉ còn là phế tích... Năm 1993, trên đồi Đình người dân địa phương đã xây một ngôi đền nhỏ và đặt tên chữ là "Đại Vương đền”, trong đền có đặt bài vị thờ, tấm bia đá đã vỡ tại sân đền được nhân dân ghép lại để bảo tồn di sản quý của dân tộc mà đất Đông Triều đang lưu giữ. Tại hội thảo khoa học "Di tích đền Thái trong hệ thống di tích lăng mộ, đền miếu nhà Trần tại Đông Triều” tháng 8-2011, PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định: Đền Thái là di tích nhà Trần có mặt bằng hoàn chỉnh và nguyên vẹn nhất được phát lộ cho đến nay...

Giá trị của Thái miếu góp phần làm cho tổng thể giá trị Khu di tích nhà Trần tăng lên rất nhiều. Việc bảo tồn, trùng tu di tích đã được thị xã Đông Triều triển khai và đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1. Thái miếu được trùng tu với kiến trúc chữ Nhị gồm Tiền đường và hậu cung cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác và trong tương lai gần giai đoạn 2 sẽ sớm được triển khai. Đây chính là sự tri ân với lịch sử hào hùng, hào khí Đông A của dân tộc, không chỉ để hôm nay mà mãi mãi sau này, người dân Việt Nam ngày ngày được đến dâng hương tưởng nhớ hoàng tộc các vua Trần tại Thái miếu - nơi quê gốc nhà Trần. Như vậy từ thời Trần, tôn miếu - xã tắc là những khái niệm thiêng liêng, cùng chung sự tồn vong của dân tộc nên cả vương triều và muôn dân đều phải dốc khí đồng lòng, đoàn kết bảo vệ, giữ gìn.

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

co_quan_chu_quan_ubnd_thi_xa_dong_trieu_3