Ngày du lịch Việt Nam

Đại lễ Phật đản: Lịch sử và Ý nghĩa

29-05-2023 08:04

Đại lễ Phật đản

Lịch sử và Ý nghĩa

Đại lễ Phật Đản là một trong những lễ hội văn hóa, tâm linh lớn của Phật tử. Đây là ngày kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra ở thế kỷ thứ VII trước công nguyên trong hình hài của một nhân vật lịch sử. 

Nguồn gốc của Đại lễ Phật đản 

Lịch sử Phật giáo ghi lại rằng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal. Cha Ngài là vua Tịnh Phạn (Suddhodana), mẹ là hoàng hậu Māyā, được nuôi dưỡng, giáo dục để trở thành người kế vị ngai vàng, lãnh đạo Kapilavastu.


phat-dan-1

Hình ảnh minh họa Đức Phật sinh ra tại vườn Lâm Tì Ni (nguồn ảnh: Internet)


Tuy nhiên, Ngài đã từ bỏ tất cả để dấn thân chứng nghiệm, khám phá bốn sự thật của cuộc đời, đó là: khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và phương pháp để chấm dứt sự khổ (Tứ diệu đế), giảng dạy về phương pháp cho con người có được hạnh phúc tương đối và đạt được hạnh phúc thực sự - nếu có ý chí, ngay trong cuộc đời này, được soi sáng bởi trí tuệ nhờ có chánh niệm, thực hành thiền định. Những lời dạy của Ngài vượt lên sự ràng buộc của các giáo điều thông thường, vượt thời gian, trở thành lối sống cho những ai muốn có được hạnh phúc thực sự cho bản thân, cộng đồng.


Lịch sử hình thành ngày Lễ Phật đản 

Ngày Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo). Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4).

Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

Ý nghĩa của Đại lễ Phật đản 

Đại lễ Phật Đản là dịp tổ chức không chỉ để tôn vinh Đức Phật, mà hơn thế nữa, là cơ hội để ôn lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên phương diện một con người lịch sử, cùng những lời dạy của Ngài. Từ đó, để cùng mỗi người tự tin nhận ra rằng những điều tốt đẹp nhất, giác ngộ và giải thoát, là điều mà ai cũng có thể đạt tới được, đó không phải là sự ban phát - đặc quyền của một đấng nào đó siêu nhiên nào đó. Tin để sống theo, từ đó từng bước có được giá trị hạnh phúc thực sự, sống an lạc giữa đời mà không còn lo âu, sợ hãi; không bị danh vọng, tiền bạc, sự hưởng thụ… nhấn chìm.

phat_dan_3

Đại lễ Phật đản có ý nghĩa quan trọng với Phật giáo thế giới (nguồn ảnh: Internet)

Đại lễ Phật đản là ngày để tín đồ Phật tử tưởng nhớ lại cuộc hành trình 80 năm nơi trần thế của Đức Phật, từ đản sanh cho đến thành đạo và cuối cùng là Niết bàn tịch diệt. Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ, ngày này có mang một ý nghĩa thiêng liêng hơn đó là nhắc nhớ tứ chúng đệ tử Phật phải không ngừng nỗ lực tu tập, buông bỏ để trở về chính mình, tìm thấy chân tâm tự tánh, bản lai diện mục.

Các hoạt động trong Đại lễ Phật đản 

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.

Theo truyền thống Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật... để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau.

dai-le-phat-dan-4

Các hoạt động trong Đại lễ Phật đản

Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

Ngoài ra, trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật…. Thông qua các hoạt động này là dịp để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đúng phương châm của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo”

Nghi thức “tắm Phật”

Lễ Phật Đản tại các tự viện thường được tổ chức trang nghiêm theo nghi thức Phật giáo. Tùy theo hệ phái, nghi thức cũng có phần khác biệt nhưng tương đồng ở nghi thức thiêng liêng gọi là “Mộc dục”, tức nghi thức Tắm Phật.

dai-le-phat-dan-5

Nghi lễ tắm Phật hay Mộc dục được cử hành theo nghi thức truyền thống (nguồn ảnh: Internet)

Nghi thức này nhằm tái hiện lại hình ảnh chư thiên tắm mát Đức Phật lúc Ngài vừa đản sinh theo như truyền thuyết. Cần nhớ rõ, nghi lễ chỉ là hình thức, nội dung bên trong hình thức đó mới là điều quan trọng. Lễ mộc dục gửi một thông điệp vô cùng ý nghĩa đến hành giả, đó chính là hãy dùng dòng nước thanh lương kia gột rửa thân tâm, tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp thân - khẩu – ý. 

Tại gia đình Phật tử, nếu có điều kiện sẽ tôn trí bảo tướng Thích Ca Sơ Sinh, thực hành nghi thức Mộc dục như ở các tự viện Phật giáo, còn nếu không có điều kiện thì sẽ trang hoàng ban thờ Phật tại nhà mình, dâng hương tưởng niệm. Quan trọng nhất trong việc học Phật là thông qua hình thức tìm thấy ý nghĩa giác ngộ bên trong, chứ không phải mải mê nơi hình thức. 

Biên tập: Quỳnh Anh 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

co_quan_chu_quan_ubnd_thi_xa_dong_trieu_3